Bán hàng có chiết khấu thương mại và cái nhìn tổng quan của kế toán doanh nghiệp
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về chiết khấu thương mại, các thông tư hướng dẫn hạch toán, và cách ghi nhận doanh thu khi doanh nghiệp áp dụng chiết khấu thương mại. Từ đó, giúp doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và thực hiện đúng quy trình kế toán.
Bán hàng có chiết khấu thương mại.
1. Chiết khấu thương mại là gì? Hạch toán theo thông tư nào?
Dưới đây là tổng quan về các khoản chiết khấu thương mại cũng như Thông tư hướng dẫn doanh nghiệp hạch toán bán hàng có chiết khấu thương mại.
1.1. Khái niệm chiết khấu thương mại
Khái niệm Chiết khấu thương mại được giải thích tại Mục 3, Hệ thống chuẩn mực kế toán việt nam chuẩn mực số 14 doanh thu và thu nhập khác ban hành kèm theo theo Quyết định 149/2001/QĐ-BTC như sau:
“Chiết khấu thương mại là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn.”
Cần phân biệt khái niệm này với khái niệm Giảm giá hàng bán. Giảm giá hàng bán là khoản giảm trừ cho người mua do hàng hóa kém phẩm chất, sai quy cách hoặc lạc hậu thị hiếu.
>> Tham khảo: Mẫu hợp đồng thuê nhà kinh doanh và những quy định pháp lý cần biết.
1.2. Thông tư nào hướng dẫn hạch toán chiết khấu thương mại?
- Doanh nghiệp sử dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC được hướng dẫn hạch toán chiết khấu thương mại vào tài khoản 5211.
- Doanh nghiệp sử dụng chế độ kế toán theo Thông tư 133/2016/TT-BTC: Hạch toán chiết khấu thương mại vào tài khoản 511.
Như vậy, có hai cách hạch toán chiết khấu thương mại, được hướng dẫn tại Thông tư 200 và Thông tư 133. Tuy nhiên, việc hạch toán thương mại theo thông tư 200 được khuyến khích hơn do có sự bao quát, nhất quán chung. Chế độ kế toán theo Thông tư 133 được hướng dẫn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Nội dung hóa đơn bán hàng có chiết khấu thương mại
Hóa đơn hàng bán có chiết khấu.
Căn cứ Khoản 6, Điều 10, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về nội dung của hóa đơn có chiết khấu thương mại phải bao gồm các thông tin dưới đây.
- Các thông tin về hàng hóa dịch vụ như:
+ Tên hàng hóa dịch vụ.
+ Đơn vị tính.
+ Số lượng, khối lượng hàng hóa, dịch vụ.
+ Thành tiền (chưa tính thuế GTGT).
+ Thuế suất thuế GTGT của dịch vụ, hàng hóa.
+ Tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất.
+ Tổng cộng tiền thuế GTGT.
+ Tổng tiền khách hàng phải thanh toán (đã bao gồm thuế GTGT).
- Ghi rõ khoản chiết khấu thương mại trên hóa đơn. Việc xác định giá trị tính thuế GTGT (giá chưa bao gồm thuế GTGT) trong các trường hợp áp dụng chiết khấu thương mại cho khách hàng hoặc thực hiện khuyến mại phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Theo đó, các cơ sở kinh doanh khi áp dụng chiết khấu thương mại hoặc khuyến mại cho khách hàng theo quy định của pháp luật phải ghi rõ khoản chiết khấu hoặc khuyến mại này trên hóa đơn. Đồng thời, người bán cũng cần cung cấp thông tin chi tiết về hàng hóa liên quan nêu trên.
>> Tham khảo: Bán hàng trên amazon tại Việt Nam và những điều bạn cần biết.
3. Hạch toán khi bán hàng có chiết khấu thương mại
Kế toán bán hàng khi có khoản chiết khấu.
Dưới đây là hướng dẫn cách hạch toán bán hàng có chiết khấu thương mại theo hai thông tư là Thông tư 200/2014/TT-BTC và Thông tư 133/2016/TT-BTC.
3.1. Bán hàng có chiết khấu thương mại theo thông tư 200
Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định chi tiết nguyên tắc và cách ghi nhận của doanh nghiệp nói chung khi bán hàng có chiết khấu thương mại như sau:
a) Nguyên tắc ghi nhận hóa đơn bán hàng có chiết khấu thương mại
- Nếu trong hóa đơn GTGT/hóa đơn bán hàng ghi giá đã được trừ chiết khấu thương mại thì bên bán không sử dụng Tài khoản 521. Lúc này, doanh thu bán hàng đã trừ chiết khấu thương mại gọi là doanh thu thuần.
- Với những khoản chiết khấu thương mại chi trả cho người mua nhưng chưa được phản ánh là khoản giảm trừ trên hóa đơn thì kế toán doanh nghiệp phải theo dõi riêng. Lúc này, bên bán ghi nhận doanh thu ban đầu là doanh thu gộp, tức là giá hàng hóa, dịch vụ chưa trừ chiết khấu.
b) Phương pháp kế toán bán hàng có chiết khấu thương mại
- Cuối kỳ, kết chuyển toàn bộ sang tài khoản 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, để xác định doanh thu thuần thực tế của hàng hóa dịch vụ.
- Khoản chiết khấu thương mại chưa được thể hiện trong hóa đơn bán hàng, cung cấp dịch vụ thì sử dụng tài khoản 5211.
- Trường hợp hàng hóa, dịch vụ đã bán, cung cấp cho khách mà phải chiết khấu thương mại cho người mua thuộc đối tượng chịu thuế GTGT và doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì ghi như sau:
+ Nợ TK 521 - Các khoản giảm trừ doanh thu (5211, 5213).
+ Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra được giảm).
+ Có các TK 111,112,131,...
- Trường hợp hàng hóa, dịch vụ đã bán, cung cấp cho khách mà phải chiết khấu thương mại cho người mua không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp thì ghi khoản giảm trừ như sau:
+ Nợ TK 521 - Các khoản giảm trừ doanh thu (5211, 5213).
+ Có các TK 111, 112, 131,...
>> Tham khảo: Mẫu báo cáo doanh thu bán hàng và tính ứng dụng của bản báo cáo.
3.2. Bán hàng có chiết khấu thương mại theo thông tư 133
Thông tư 133/2016/TT-BTC hướng dẫn chi tiết nguyên tắc và cách ghi nhận của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi bán hàng có chiết khấu thương mại như sau:
a) Nguyên tắc ghi nhận hóa đơn bán hàng có chiết khấu thương mại
- Nếu doanh nghiệp có nghĩa vụ cung cấp cho khách hàng sản phẩm, dịch vụ miễn phí hoặc chiết khấu, giảm giá thì kế toán chỉ ghi nhận doanh thu khi đã thực hiện hết nghĩa vụ đối với hàng hóa, dịch vụ phải cung cấp miễn phí đó cho người mua.
- Nếu hàng hóa cung cấp nói chung đã tiêu thụ từ các kỳ trước nhưng đến kỳ sau phải chiết khấu thương mại thì kế toán ghi giảm doanh thu theo quy chuẩn sau:
+ Hàng hóa nói chung đã được đã tiêu thụ từ các kỳ trước mà đến kỳ sau mới phải chiết khấu thương mại nhưng xảy ra trước thời điểm lập BCTC thì đây được coi là giao dịch phát sinh sau ngày lập BCTC, đồng thời ghi giảm doanh thu trên BCTC của kỳ lập báo cáo.
+ Trường hợp dịch vụ, hàng hóa đã cung cấp cho khách hàng bị trả lại sau thời điểm phát hành BCTC thì ghi giảm trừ doanh thu tại kỳ phát sinh (báo cáo kỳ sau).
b) Phương pháp kế toán bán hàng có chiết khấu thương mại
- Các khoản giảm trừ doanh thu (Mã số 02) phản ánh tổng hợp các khoản được ghi giảm trừ vào tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong năm, trong đó bao gồm các khoản chiết khấu thương mại.
+ Ghi nhận trong kỳ báo cáo: Tổng số phát sinh bên Nợ TK 511 đối ứng với bên Có các TK 111, 112, 131.
- Doanh thu thuần (tổng doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ) có Mã số 10.
Cụ thể, chỉ tiêu này phản ánh số doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm, BĐSĐT, doanh thu cung cấp dịch vụ và doanh thu khác đã trừ chiết khấu thương mại trong kỳ báo cáo, làm căn cứ tính kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
+ Mã số 10 = Mã số 01 - Mã số 02.
Qua bài viết này, hy vọng bạn đã nắm vững khái niệm chiết khấu thương mại cũng như cách hạch toán theo các thông tư hiện hành. Việc hiểu rõ và áp dụng đúng quy định không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật mà còn tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Hãy luôn cập nhật kiến thức để đảm bảo sự chính xác và hiệu quả trong công tác kế toán của mình.