Kinh doanh cửa hàng tiện lợi: Những quy định pháp lý quan trọng
Là một trong những mô hình kinh doanh nguồn lợi nhuận hấp dẫn, khả năng thu hồi vốn tương đối nhanh, mở cửa hàng tiện lợi đang là xu hướng lên ngôi trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, để kinh doanh cửa hàng tiện lợi thành công không phải điều dễ dàng, vấn đề đầu tiên là phải nắm vững các quy định, thủ tục pháp lý.
Kinh doanh cửa hàng tiện lợi.
1. Cửa hàng tiện lợi là gì?
Căn cứ theo Khoản 10, Điều 3, Nghị định 09/2018/NĐ-CP:
“Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
9. Cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất là cơ sở bán lẻ được lập ở Việt Nam bởi một trong những nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ ở Việt Nam, hoặc được lập dưới cùng tên, nhãn hiệu với ít nhất một cơ sở bán lẻ do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có tại Việt Nam.
10. Cửa hàng tiện lợi là cơ sở bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng nhanh, bao gồm: Thực phẩm, đồ uống, dược phẩm không kê đơn, thực phẩm chức năng và các sản phẩm bổ dưỡng sức khỏe, hóa mỹ phẩm và các sản phẩm khác phục vụ tiêu dùng hàng ngày.
11. Siêu thị mini là cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500 m2 và thuộc loại hình siêu thị tổng hợp theo quy định pháp luật.
12. Trung tâm thương mại là địa điểm bao gồm nhiều cơ sở bán lẻ và cung cấp dịch vụ được bố trí tập trung, liên hoàn trong một hoặc một số công trình kiến trúc liền kề.
13. Cơ quan cấp Giấy phép là cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ quy định tại khoản 1 và 2 Điều 8 Nghị định này.”
Căn cứ theo quy định trên, có thể hiểu cửa hàng tiện lợi (hay còn gọi là cửa hàng tiện ích) là loại hình cửa hàng bán lẻ với nhiều sản phẩm phục vụ nhiều đối tượng khách hàng:
- Thực phẩm, đồ uống.
- Dược phẩm không kê đơn.
- Thực phẩm chức năng.
- Hóa mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm bồi bổ sức khỏe.
>> Có thể bạn quan tâm: Bán hàng đại lý là gì?
2. Đăng ký mở cửa hàng tiện lợi
Hướng dẫn đăng ký mở cửa hàng tiện lợi.
Đăng ký mở cửa hàng tiện lợi là thủ tục pháp lý đầu tiên và quan trọng để bắt đầu kinh doanh mô hình này. Điều kiện, thủ tục mở cửa hàng tiện lợi như thế nào?
2.1. Điều kiện mở cửa hàng tiện lợi
Để mở cửa hàng tiện lợi, bạn phải đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp. Các loại giấy phép bao gồm:
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
- Giấy phép bán lẻ thuốc lá.
- Giấy phép bán buôn, bán lẻ rượu.
Ngoài các loại giấy phép, cơ sở kinh doanh cần đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất: Diện tích mặt bằng, trang thiết bị bán hàng, nguồn cung cấp hàng hóa từ cá nhân, kho hàng,...
2.2. Thủ tục đăng ký mở cửa hàng tiện lợi
Để đăng ký mở cửa hàng tiện lợi, cơ sở kinh doanh cần thực hiện theo trình tự:
Bước 1: Lựa chọn ngành, nghề kinh doanh
Căn cứ theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, ngành nghề của doanh nghiệp kinh doanh chuỗi siêu thị gồm:
- Bản lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lào, thuốc lá (4711).
- Bán lẻ sản phẩm thuốc lào, thuốc lá trong các cửa hàng chuyên doanh (4724)...
- Bán lẻ khác trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp (4719).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Có 2 hình thức nộp hồ sơ đăng ký thành lập cửa hàng tiện lợi:
- Nộp hồ sơ trực tiếp: Tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
- Nộp trực tuyến tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: Cần có tài khoản đăng ký kinh doanh và chữ ký số công cộng.
2.3. Thời gian và lệ phí nộp hồ sơ
Thời gian giải quyết là 03 ngày làm việc kể từ ngày trực tiếp nhận hồ sơ.
Lệ phí giải quyết (theo Thông tư 47/2019/TT-BTC):
- 50.000 đồng/lần đối với hồ sơ nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh.
- Miễn phí đối với hồ sơ đăng ký qua Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
>> Tham khảo: Tìm hiểu về hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được giảm thuế GTGT 2024 theo Nghị định 94/2023/NĐ-CP.
3. Hướng dẫn xin giấy phép khi đăng ký mở cửa hàng tiện lợi
Như đã nêu ở trên, một trong những điều kiện quan trọng khi mở cửa hàng tiện lợi là phải có các giấy phép hợp lệ.
3.1. Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm
Xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi mở cửa hàng tiện lợi.
Căn cứ theo Điều 11, Điều 12, Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ một số trường hợp được quy định.
Đồng thời, theo Khoản 1, Khoản 2, Điều 6, Thông tư 43/2018/TT-BTC, doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Sở Công Thương. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công Thương phải cấp Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm. Trường hợp từ chối hồ sơ, Sở Công Thương phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
3.2. Giấy phép phòng cháy chữa cháy
Căn cứ theo Phụ lục I, II, IV, Nghị định 79/2014/NĐ-CP, cửa hàng tiện lợi thuộc diện quản lý, xin cấp giấy phép phòng cháy, chữa cháy. Hồ sơ xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy được hướng dẫn tại Khoản 3, Điều 15, Nghị định 79/2014/NĐ-CP.
3.3. Giấy phép kinh doanh các mặt hàng đặc biệt
Giấy phép kinh doanh rượu:
- Đăng ký tại: Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và hạ tầng thuộc UBND cấp huyện.
- Thời gian cấp giấy phép kinh doanh: Sau 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ bộ hồ sơ.
- Lệ phí đăng ký: 200.000 đồng.
Giấy phép kinh doanh thuốc lá:
- Nơi đăng ký: Phòng Công Thương hoặc Phòng Kinh tế thuộc UBND cấp huyện).
- Thời gian cấp giấy phép kinh doanh: 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hợp kệ.
- Lệ phí đăng ký:
+ Tại khu vực thành phố trực thuộc trung ương và khu vực thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh: 1,2 triệu đồng.
+ Tại các khu vực khác: 600.000 đồng.
Trên đây là một số quy định quan trọng về kinh doanh cửa hàng tiện lợi. Đây là mô hình kinh doanh hấp dẫn với khả năng thu lợi nhuận lớn được nhiều cá nhân, cơ sở kinh doanh lựa chọn.
Nắm vững các thông tin về điều kiện thành lập, thủ tục đăng ký kinh doanh là “nền móng” quan trọng để khởi đầu thành công khi kinh doanh mô hình này.