Đăng ký giấy phép kinh doanh cần những gì? Hướng dẫn đăng ký
Đăng ký giấy phép kinh doanh là điều kiện tiên quyết để cá nhân, doanh nghiệp được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật. Vậy đăng ký kinh doanh ở đâu? Cách đăng ký kinh doanh gồm những bước nào? Dưới đây là những thông tin chi tiết.
Khái niệm giấy phép đăng ký kinh doanh.
1. Giấy phép đăng ký kinh doanh là gì?
Giấy phép đăng ký kinh doanh là cụm từ thông dụng được mọi người nhắc tới khi thành lập một doanh nghiệp. Tuy nhiên, loại giấy tờ mà doanh nghiệp bắt buộc phải có khi xin thành lập doanh nghiệp được gọi với quy ước chuẩn của pháp luật là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Giấy phép kinh doanh hay còn được gọi là giấy phép con là loại giấy phép mà doanh nghiệp cần làm khi kinh doanh trong những ngành nghề, lĩnh vực có điều kiện (quy định tại phụ lục IV, Luật Đầu tư 2020).
Do đó, hiểu một cách đơn giản: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là loại giấy tờ bắt buộc phải có khi thành lập doanh nghiệp. Trong khi đó, giấy phép kinh doanh là một dạng giấy phép con, chỉ bắt buộc với những doanh nghiệp kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Với những doanh nghiệp này, cần có cả 2 loại giấy phép trên để hoạt động.
2. Hồ sơ đăng ký giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp
Bộ hồ sơ đăng ký giấy phép kinh doanh cần chuẩn bị.
Bộ hồ sơ đăng ký chứng nhận được phép hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cần có những giấy tờ cơ bản sau:
2.1. Bộ hồ sơ đăng ký giấy phép kinh doanh cho hộ kinh doanh
Theo Khoản 2, Điều 87, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ, hồ sơ đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh gồm:
- Văn bản đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.
- Giấy tờ pháp lý cá nhân của chủ hộ.
Lưu ý, với trường hợp các thành viên trong hộ đăng ký kinh doanh, cần có thêm các giấy tờ sau:
- Giấy tờ pháp lý cá nhân của thành viên trong hộ gia đình nếu các thành viên trong hộ đăng ký.
- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về quyết định thành lập hộ kinh doanh.
- Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên trong hộ cho một thành viên đứng tên làm chủ hộ kinh doanh.
2.2. Hồ sơ đăng ký giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân
Điều 21, Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về hồ sơ đăng ký kinh doanh với doanh nghiệp tư nhân gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân của chủ doanh nghiệp.
2.3. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho công ty cổ phần
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Trường hợp công ty TNHH từ hai thành viên trở lên, kèm danh sách thành viên.
- Trường hợp công ty cổ phần thì kèm theo danh sách cổ đông sáng lập và danh sách các cổ đông nước ngoài.
- Yêu cầu bản sao các giấy tờ sau:
+ Giấy tờ pháp lý của:
- Người đại diện doanh nghiệp trên pháp luật.
- Danh sách thành viên công ty cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân.
- Người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
- Tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
- Đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Lưu ý:
Giấy tờ pháp lý cá nhân trong hồ sơ đăng ký giấy phép kinh doanh của hộ kinh doanh được quy định tại Điều 11, Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
- Công dân Việt Nam chuẩn bị căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực.
- Công dân nước ngoài chuẩn bị hộ chiếu hoặc các loại giấy tờ tương đương có thể thay thế hộ chiếu còn hiệu lực.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp căn cứ theo Điều 12, Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh doanh nghiệp như thế nào?
3. Thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp
Có 2 cách thức để doanh nghiệp lựa chọn khi thực hiện đăng ký doanh nghiệp như sau:
- Đăng ký trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh: Sở kế hoạch - đầu tư hoặc Phòng kinh tế của quận/ huyện.
- Đăng ký doanh nghiệp qua kênh thông tin điện tử.
3.1. Doanh nghiệp đăng ký trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh
Trình tự đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp đăng ký trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh gồm 4 bước:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu tại mục 2 của bài viết. Với những trường hợp thiếu hồ sơ, cần tiếp tục hoàn thiện trước khi nộp cho cơ quan chức năng.
Bước 2: Nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký kinh doanh.
Để đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp mang hồ sơ tới một trong hai cơ quan sau: Sở kế hoạch - đầu tư hoặc Phòng kinh tế của quận/ huyện.
Đồng thời, đơn vị đăng ký kinh doanh nộp lệ phí đăng ký giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Đợi cơ quan chức năng xét duyệt hồ sơ đăng ký giấy phép kinh doanh.
Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ có trách nhiệm xem xét hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ:
- Nếu hồ sơ hợp lệ, Cơ quan chức năng sẽ cấp chứng nhận đăng ký cho doanh nghiệp.
- Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan chức năng sẽ thông báo bằng văn bản những nội dung cần sửa đổi/ bổ sung cho doanh nghiệp.
- Trường hợp Cơ quan chức năng từ chối đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo bằng văn bản cùng lý do cụ thể.
Bước 4: Nộp lệ phí và hoàn tất thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Doanh nghiệp được Cơ quan chức năng duyệt hồ sơ cần đóng lệ phí (nếu có) và nhận lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3.2. Đăng ký doanh nghiệp thông qua kênh thông tin điện tử
Về cơ bản, đăng ký giấy phép kinh doanh online cũng tuân thủ các quy định của pháp luật về việc đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, hình thức này có một số quy định và trình tự được nêu tại Điều 43, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đã được nêu rõ ở mục 2 của bài viết. Đối với trường hợp đăng ký online cần chú ý một số điểm sau:
Văn bản điện tử cần có xác thực chữ ký số (doanh nghiệp được phép lựa chọn chữ ký số phù hợp), thể hiện chính xác, đầy đủ và toàn vẹn nội dung như văn bản giấy. Văn bản điện tử có thể viết dưới các dạng sau: định dạng “.doc”, “.docx” hoặc “.pdf”.
Bước 2: Nộp hồ sơ online.
Người thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hiện có địa chỉ là dangkykinhdoanh.gov.vn.
Cá nhân đăng ký doanh nghiệp dùng đúng tài khoản cá nhân được cấp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh xét duyệt hồ sơ và phản hồi.
Sau khi nộp hồ sơ đăng ký, doanh nghiệp đợi Phòng Đăng ký kinh doanh xét duyệt hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ không đạt yêu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Doanh nghiệp cần hoàn thiện sửa đổi bổ sung trong vòng 60 ngày. Nếu sau thời hạn nêu trên, doanh nghiệp không phản hồi và hoàn thiện yêu cầu về hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ hủy bỏ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định (được nêu trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp).
Nhìn chung, đăng ký giấy phép kinh doanh hay xin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là một thủ tục khá đơn giản nhưng đòi hỏi trình tự đúng cũng như tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật. Trên đây là những thông tin hướng dẫn đăng ký giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp. Chúc quý doanh nghiệp đăng ký kinh doanh suôn sẻ.